Chính sách “zero Covid” ở Trung Quốc cùng với ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine khiến thị trường thép toàn cầu thiếu hụt nguồn cung trầm trọng trong bối cảnh sản lượng thép của nhiều quốc gia liên tục suy giảm.
Thị trường thép thế giới
Quý đầu tiên của năm 2022 là thời điểm khó khăn đối với sản xuất thép thô toàn cầu. Theo đó, tổng sản lượng thép thô toàn cầu đạt 456,6 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel).
Được biết, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự sụt giảm này là chính sách “zero Covid-19” ở Trung Quốc – nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, tính theo khối lượng và xung đột giữa Nga và Ukraine, hai nhà xuất khẩu thép lớn sang thị trường EU.
Cụ thể, kể từ đầu tháng 3, Trung Quốc đã phải đối mặt với một làn sóng dịch Covid mới. Theo đó, Đường Sơn – thành phố sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc phải đóng cửa nghiêm ngặt trong nửa cuối tháng, cản trở cả cung và cầu đối với mặt hàng thép. Các biện pháp kiểm soát từ đó lan sang nhiều thành phố khác.
Trong quý 1/2022, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm hơn 10%, xuống còn 243,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chính sách cắt giảm sản xuất ở trong nước, hạn chế xuất khẩu. Do đó, xu hướng này sẽ tiếp tục trong ngắn hạn.
Mặt khác, sản lượng thép của Ukraine đã giảm sút kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu. Cụ thể, sản lượng thép của Nga đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, hoạt động sản xuất thép của Nga không bị ảnh hưởng, ước tính khoảng 6,6 triệu tấn.
Theo biến động của thế giới, sản lượng thép của EU cũng bị ảnh hưởng trong giai đoạn này. Tổng sản lượng thép thô đạt 12,8 triệu tấn trong tháng 3, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và gia tăng chi phí năng lượng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng thép thô tại thị trường này.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp hạ nguồn tiếp tục gây khó khăn cho các nhà sản xuất thép Nhật Bản. Sản xuất ô tô giảm, trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn và các linh kiện khác, đã làm giảm nhu cầu. Ngành công nghiệp đã phản ứng bằng cách giảm sản lượng xuống còn 23 triệu tấn, trong quý đầu tiên của năm 2022.
Ở chiều hướng ngược lại, sản xuất thép của Ấn Độ lại có sự tăng trưởng đáng kể với 10,9 triệu tấn thép thô trong tháng 3 – tổng sản lượng hàng tháng cao nhất từ trước đến nay.
Sản lượng thép trong quý 1 của Hoa Kỳ hầu như không thay đổi, so với con số tương đương năm 2021, là 20,3 triệu tấn. Cũng trong giai đoạn này, 8,5 triệu tấn thép đã được nhập khẩu vào nước này từ ba quốc gia chính đó là Canada, Mexico và Brazil.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), năm 2022 sẽ là một năm triển vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến nhu cầu thép sẽ có bước tăng trưởng trong năm nay.
Thị trường thép trong nước
Tại Việt Nam, trong quý 1/2022, sản xuất thép thành phẩm của cả nước đạt 8,45 triệu tấn; tiêu thụ đạt 3,12 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 1,82 triệu tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,28 triệu tấn thép, giảm 22,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2021. Được biết, thị trường xuất khẩu thép các loại chủ yếu của Việt Nam trong quý 1/2022 là khu vực ASEAN, chiếm 40,57%; khu vực EU với 19,32%; Hoa Kỳ là 8,34%; Hàn Quốc là 6,97% và Hồng Kông là 3,91%.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), nhiều yếu tố cùng với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kể từ cuối tháng 2 đã tác động đến giá bán thép xây dựng thị trường trong nước. Các nhà máy tăng giá bán thép thành phẩm để bù lại một phần giá thành sản xuất, việc này khiến lượng bán tăng do đầu cơ của nhà phân phối.
Theo đó, giá bán thép xây dựng trong nước điều chỉnh tăng trong tháng 3 khoảng 800 – 1.000 đồng/kg kể từ cuối tháng 2, hiện ở mức bình quân khoảng 18.550-18.750 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp và vùng miền cụ thể. Giá phôi nội địa tăng khoảng 1.000 đồng/kg đến 1.300 đồng/kg giữ giá ở mức 17.100 đồng/kg đến 17.300 đồng/kg cuối tháng 3/2022.
Mặc khác, với việc Trung Quốc vẫn hạn chế việc sản xuất thép do chính sách hạn chế khí thải vẫn tiếp tục và mặt bằng giá thép vẫn ở mức cao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thép Việt Nam tiếp tục phát triển và đẩy mạnh ở mảng xuất khẩu.
Trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành thép vừa công bố, Chứng khoán BSC cho rằng trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép nội địa sẽ tăng trưởng tốt dựa trên tăng giải ngân đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, và hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hiệp hội thép Việt Nam cũng dự báo triển vọng thị trường thép quý 1/2022 có thể bắt đầu với một mặt bằng giá mới khi giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục tăng và nhu cầu trong nước có tín hiệu tốt.
Nguồn tin: CafeLand